|
Giới thiệu Phú Quốc
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trong Vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang. Vị trí địa lý của đảo được tóm tắt để dễ hình dung như sau: mũi Đông Bắc của đảo cách quốc gia láng giềng Cam-Pu-Chia 4 hải lý. Đảo cách thành phố Rạch Giá, thủ phủ của tỉnh Kiên Giang 62 hải lý về phía Đông và cách thị xã Hà Tiên là 25 hải lý.
Đảo Phú Quốc có hình tam giác, cạnh đáy nằm ở hướng Bắc, nhỏ dần lại ở phía Nam. Nếu tính đường chim bay theo hướng Bắc-Nam thì chiều dài lớn nhất của đảo là 49 km . Nơi rộng nhất trên đảo theo hướng Đông-Tây nằm ở khu vực Bắc đảo với chiều dài là 27 km. Chu vi của đảo Phú Quốc tổng cộng khoảng 130 km. Tổng diện tích của Phú Quốc là 56.500 ha. Có tác giả ví hình dáng đảo giống như một con cá đang bơi, đầu hướng về phương Bắc.
Về điều kiện địa lý tự nhiên, khí hậu trên đảo Phú Quốc thuộc loại nhịêt đới gió mùa (nóng ẩm, mưa nhiều,…), tuy nhiên do nằm trong vùng vị trí đặc biệt của vịnh Thái Lan nên ít bị thiên tai. Chính vì điều kiện khí hậu như vậy nên Phú Quốc có được một nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, trong đó có rất nhiều giống, loài đặc hữu. Đây là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo này. Bên cạnh rừng, vì bản thân Phú Quốc là một hòn đảo và là đảo lớn, cho nên những nguồn tài nguyên khác như: tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước,… ở đây có tiềm năng lớn để khai thác phát triển kinh tế.
Nhắc đến Phú Quốc thì không thể không nhắc đến những nghề nghiệp truyền thống của cư dân ở đây. Đó là nghề sản xuất nước mắm và nghề trồng hồ tiêu. Nước mắm Phú Quốc và hồ tiêu Phú Quốc là hai mặt hàng nổi tiếng thế giới lâu nay. Ngoài hai nghề này, hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Phú Quốc là khai thác hải sản. Gần đây, nhờ hoạt động du lịch trên đảo phát triển nhanh chóng, một bộ phận cư dân chuyển sang tham gia cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn,…
Về mặt hành chính, đảo Phú Quốc các đảo nhỏ lân cận khác và 2 quần đảo An Thới, Thổ Chu hợp thành một huyện của Kiên Giang: huyện đảo Phú Quốc với tổng diện tích là 58.283 ha. Trong đó, quần đảo Thổ Chu nằm xa đảo Phú Quốc nhất (tương tương khoảng cách từ Rạch Giá ra Phú Quốc).
Một số thắng cảnh tại Phú Quốc:
Thị trấn Dương Đông
Là thủ phủ của Phú Quốc, là cảng cá lớn, ở trung tâm phía tây đảo. Ở đây có sân bay Phú Quốc và các khách sạn.
Dương Đông có nhiều cảnh đẹp, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Dinh Cậu. Một đền thờ bắt nguồn từ đức tin của người dân đảo Phú Quốc xây dựng năm 1937 để thờ Cậu, và mong được sự che chở của thần sông cứu giúp các thuyền bè khi gặp sóng to gió lớn. Dinh Cậu còn giữ những nét kiến trúc cổ. Từ đây có thể ngắm cảnh biển rất thú vị.
Quần Đảo An Thới
Ở phía Nam đảo Phú Quốc là quần đảo An Thới. Quần đảo này có 15 hòn đảo lớn nhỏ nằm dọc theo hướng Tây Nam. Biển ở đây rất trong và sâu, có nơi sâu gần 30 m.
Du khách sẽ thấy nơi đây thích hợp cho các hoạt động du lịch như khám phá thiên nhiên, ngắm cảnh, câu cá, bơi và lặn biển. Một số đảo lớn trong quần đảo An Thới có tên Hòn Dân, Hòn Dừa, Hòn Rọi, Hòn Thơm, Vang, Móng Tay, Gầm Ghì, Mây Rút, Chân Quí.
Suối Tranh
Bắt nguồn từ phía đông bắc đảo Phú Quốc, suối Tranh mang theo mình nhiều dòng suối nhỏ, chảy từ các khe núi, len lỏi qua những bãi cỏ xanh mượt nhập vào dòng chính để thành con suối lớn, dài 16 km. Suối Tranh chảy hiền hòa, bên cạnh những phiến đá nối tiếp nhau chạy dài đến ngút tầm mắt.
Suối Đá Bàn
Nằm lưng chừng đảo, phía nam của trung tâm đảo Phú Quốc, suối Đá Bàn quanh năm nước chảy róc rách, phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Suối đá Bàn có những tảng đá phẳng lì, to lớn, chung quanh là cây cối và nước suối len lỏi ở các khe đá. Suối có thể bơi lội, cắm trại, vui chơi, hội hè giữa thiên nhiên và cây cỏ. Ven suối là những loại sâm, lan rừng tuyệt đẹp
Làng nước mắm
Có một thứ gia vị rất thường, rất dân dã nhưng lại gắn bó, thân thuộc đến không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, trong thú ẩm thực của người Việt Nam. Nó là vị quê hương - nỗi nhớ của người xa xứ - thứ gia vị ấy chính là nước mắm. Và khi nói về nước mắm, câu nói cửa miệng của người ta bao giờ cũng là nước mắm Phú Quốc, loại nước mắm nổi tiếng trên cả nước và thế giới.
Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng nhờ độ đạm cao (36o - 40o) mang vị dìu dịu, ngọt ngào quyến luyến và thơm lừng mùi cá cơm sóc tiêu đặc sản, chỉ riêng Phú Quốc mới có. Nước mắm ở đây càng để lâu càng ngon.
Hiện tại, Phú Quốc có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm, ước tính sản lượng trên 10 triệu lít/năm. Dương Ðông và An Thới là hai nơi sản xuất nước mắm nhiều nhất đảo. Có những gia đình làm nghề nước mắm cha truyền con nối và giữ vững tiếng tăm từ đời này sang đời khác. Ở đây những cơ sở sản xuất nước mắm người ta không gọi là lò hay vựa mà gọi là nhà thùng.
Nước mắm cốt nguyên chất màu nâu sậm trong vắt và sánh đặc, loại này vào những khi trời lạnh dân đánh cá hay thợ lặn trước khi xuống biển uống một chén là đủ ấm tới chiều, uống nhiều quá cũng say. Ðược các chủ nhà thùng dùng đãi khách đặc biệt.
Làng chài Hàm Ninh
Xã Hàm Ninh nằm trên bờ biển phía Ðông đảo, sau lưng là núi rừng, trước mặt là biển cả mênh mông. Dân cư tập trung ven bờ rạch Hàm.
Ðến Hàm Ninh như người hoài cổ trở lại làng xưa. Cuộc sống ở đây gần như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với nhà tranh vách tre tạm bợ. Nghề chính vẫn là nghề lặn ngọc trai, bắt hải sâm (đồn đột) và giăng lưới ghẹ.
Ngày xưa, ngư dân đến đây đánh bắt hải sản rồi lập làng. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Các ghe buồm, ghe bầu từ đất liền đến cập bến ở đây lên hàng hóa rồi chở hải sản đi.
Biển Hàm Ninh ra xa vài trăm thước mà vẫn còn cạn. Khi nước ròng, bãi cát mênh mông chạy tít ra xa, lúc nước lên, tràn ngập bãi, vào tận mé rừng.
Ðứng trên bãi Hàm Ninh, các hòn thuộc quần đảo Hải Tặc (của Hà Tiên) ló dạng xa xa. Chệch về Ðông Nam, hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc. Phía Nam là mũi ông Ðội - mũi đất cuối cùng của đảo.
Thăm Hàm Ninh vào sáng sớm hay những đêm trăng thì mới hưởng hết vẻ đẹp của biển này. Tại đây du khách sẽ được thưởng thức cảnh nhật nguyệt trôi bồng bềnh trên mặt biển.
Ðến đây mà chưa thưởng thức ghẹ luộc thì coi như chưa trọn vẹn. Ghẹ là đặc sản vùng này, gần như lúc nào cũng có. Những con ghẹ vừa bắt lên đem luộc, màu đỏ tươi, thịt chắc nịt, chấm muối tiêu chanh thì ngọt biết chừng nào!
Dinh Cậu
Dinh Cậu ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, nằm cách thị trấn Dương Đông 200m về phía tây. Từ bãi cát trắng xóa leo lên 29 bậc đá là đến miếu thờ. Uy nghi trên nóc dinh là hình ảnh “lưỡng long tranh châu”. Bên trong chánh điện thờ Chúa Ngọc nương nương và tượng thờ hai “Cậu” - những cao nhân bảo vệ ngư dân vùng biển đảo. Trước mỗi chuyến ra khơi hay vào dịp lễ tết, người dân đảo lại đến thắp nhang cầu mong cho những chuyến đi biển được bình an. Hàng năm vào ngày 15, 16-10 âm lịch, nhân dân mở hội lớn, có rất đông người tham dự.
Tọa lạc trên một ghềnh đá vươn ra biển, Dinh Cậu luôn sừng sững, hiên ngang trước sóng to gió lớn
nhưng lại trở nên huyền diệu, lung linh. Đây có thể được xem là biểu tượng của PQ, nơi có Thạch Sơn Điện với những nét kiến trúc cổ được xây dựng vào năm 1937, người dân PQ thường gọi là Miếu thờ Long Vương. Phía trước Dinh Cậu là cửa Dương Đông, nơi có ghềnh đá dài với những mỏm đá nổi lô nhô. Khi những đợt gió mùa thổi về, hàng ngàn ngọn sóng trắng xoá đổ vào cửa sông dào dạt. Liền kề Dinh Cậu là bãi Dương Đông với bờ biển cát vàng, nước xanh, rực nắng (còn gọi là bãi tắm Dinh Cậu).
Dinh Cậu hiện là điểm đến của khách du lịch với hàng trăm ngàn lượt người mỗi năm. Khách tham quan vừa nghỉ ngơi, tắm biển vừa thưởng thức hải sản tươi ngon bậc nhất miền Tây. Lên Dinh lắng nghe tiếng sóng rì rào mang đậm vị mặn mà của biển và trải lòng với thiên nhiên là điều thú vị rất riêng mà chỉ nơi này mới có.
|
|