|
Ốc Vú Nàng Ốc vú nàng là đặc sản quý hiếm ở biển Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Món ốc có thể nướng, luộc, trộn gỏi đều ăn rất ngon. Ốc vú nàng sống bám chặt vào thành các ghềnh đá ven bờ biển, chúng mở vỏ cho nước biển lùa vào mang theo những vi sinh vật làm thức ăn cho chúng. Thông thường mỗi con ốc vú nàng chỉ to bằng 3 ngón tay người lớn, nhưng ốc vú nàng Côn Đảo có vẻ nhỉnh hơn một chút so với ốc vú nàng ở các khu vực biển khác, con to nhất cũng gần bằng bàn tay. Con ốc vú nàng càng lớn, vỏ càng có màu hồng đậm. Nếu dùng cát xát vào vỏ ốc thì con ốc ánh lên một màu hồng sáng và có nhũ lấp lánh. Ngày trước chỉ có vua chú mới được thưởng thức các món chế biến từ ốc vú nàng. Sau này, ốc vú nàng trở thành món ăn quen thuộc của người dân đi biển.
Mứt hạt bàng
Đến Côn Đảo, du khách thường được mời thưởng thức món đặc sản mứt hạt bàng. Có hai loại mứt hạt bàng: ngọt và mặn. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối, đường ở đất liền. Cho một vài hạt vào miệng, vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo của hạt bàng ở đầu lưỡi, du khách đều công nhận: lạ và ngon!
Nhiều người thích loại hạt bàng rang với muối hơn. Nói là rang với muối nhưng loại này không hề mặn, chỉ đậm đà hơn hạt bàng tươi một chút và gần như giữ được vị bùi bùi nguyên gốc của hạt bàng tươi. Còn loại rang với đường thì rất ngọt và không còn giữ được vị gốc của hạt bàng. Hạt bàng rang muối nhìn mập mạp, vỏ hơi thâm nâu; khi cắn một miếng, sẽ thấy được các lớp màu trắng ngà của hạt bàng xếp cuộn khít vào nhau, rất đều đặn.
Bàng ở Côn Đảo là loại cây rừng, lá và quả thật to. Người dân Côn Đảo “thu hoạch” quả bàng đem phơi cho dốt vỏ, rồi trong những lúc rỗi việc nhà, đem ra chẻ lấy hạt. Hạt bàng mới tách ra có màu nâu giống như màu gỗ được đánh vẹc-ni. Ngồi mất vài tiếng đồng hồ, có khi vừa chẻ vừa tách chỉ được chừng vài trăm gram hạt. Sau đó đem rang muối hoặc rang đường tùy ý.
Mứt hạt bàng là một thứ quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo. Đặt chân lên Côn Đảo, rời cảng Bến Đầm chỉ vài trăm mét là đã bắt đầu thấy ngay cây bàng. Bàng mọc trên con đường ven biển, bàng có mặt trên mọi ngóc ngách đường phố. Những cây bàng gốc xù xì vươn dài ra đường, thân to đến 2-3 người ôm không hết. Những cây bàng nơi đây còn được gắn biển đề tên một cách trang trọng. Vào những mùa đông rét mướt, hay mùa hè nóng bức, lá bàng rụng được tù nhân lượm, giấu mang về trại giam, lót trên nền bê tông, nền đá để chống chọi với cái lạnh, cái nóng khắc nghiệt. Quả bàng, lá bàng non có khi còn là bữa ăn qua ngày; lá bàng còn thay giấy để viết thơ ca, để truyền tin giữa những người tù. Nhiều người bị giam dài ngày cứ nhìn cây bàng thay lá mà đếm mùa, đếm năm.
Quả bàng chín nhiều nhất là vào mùa hè, tầm tháng 7, tháng 8. Gió thổi, dơi ăn, quả bàng rụng đầy trên đường. Có hôm sắp bão, gió lớn, quả bàng rụng la liệt, người dân trên đảo mạnh ai nấy đổ xô đi lượm. Sau đó, phơi khô, dùng dao chẻ từng quả một lấy nhân ra, rồi rang sao cho khéo léo để có những sản phẩm thơm ngon bán cho người dân địa phương và du khách. Làm mứt hạt bàng cũng lắm công phu chứ không đơn giản như cái cách trẻ con ăn bàng: quả bàng chặt đôi, lấy tăm khều lấy hạt ra, rồi bỏ vào miệng nhai bùi bùi. Bởi thế, giá mứt hạt bàng không phải rẻ: 200.000 đồng/kg loại rang đường, 280.000 đồng/kg loại rang muối. Nếu vào mùa nghịch, mứt hạt bàng lên đến 500.000 đồng/kg mà không đủ bán cho khách du lịch.
Mắm Nhum
Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác. Đó không phải là loại thức ăn nhà nào cũng có, hoặc chí ít, có bán đây đó ở chợ. Thế nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được mắm nhum... Những ai đã từng được thưởng thức món mắm nhum thì sẽ còn nhắc đến hoài, không chỉ như một món ngon, mà còn như một “kỳ tích”, chứng tỏ mình là một người may mắn và từng trải.
Mắm Hàu
Với người dân Côn Đảo, mắm hàu là thứ nước chấm bình dân không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, đôi khi trở thành món ăn chính trong những ngày biển động. Còn với du khách, khi ra thăm đảo, lúc về đất liền thường mang theo những chai mắm hàu để làm quà cho người thân...thưởng thức
|
|